+ Tính đến 8h30 sáng 2/5, trên toàn thế giới đã có 3.400.090 người mắc COVID-19, con số tử vong đã lên tới gần 240 nghìn người, trong đó các quốc gia có số ca mắc nhiều nhất là Mỹ (1.131.030 ca dương tính – 65.753 người tử vong); Tây Ban Nha (242.988 ca dương tính – 24.824 người tử vong); Italy (207.428 ca dương tính – 28.236 người tử vong); Pháp (167.346 ca dương tính – 24.594 người tử vong).
+ Tại Việt Nam, tính đến 6h ngày 2/5, đã sang ngày thứ 16 liên tiếp không ghi nhận có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Trong số 270 ca dương tính với COVID-19 trước đó, tỉ lệ điều trị khỏi bệnh lên tới 81%.
+ Chiều 1/5, báo cáo về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, Sở y tế TP.HCM cho biết trong ngày 30/4, có thêm hai bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 sau khi xuất viện.
Cụ thể, bệnh nhân 235 xuất viện vào ngày 15/4 và bệnh nhân 124 xuất viện vào ngày 14/4. Được biết, bệnh nhân 124 (52 tuổi), quốc tịch Brazil và bệnh nhân 235 (25 tuổi) là người Anh, từng đến quán bar Buddha vào ngày 14/3.
Như vậy, cho đến nay, TP.HCM có tổng cộng 6 ca dương tính trở lại được tiếp tục theo dõi, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Trước đó, 4 trường hợp dương tính trở lại gồm bệnh nhân 92, 151, 207, 224.
+ Vào lúc 17h27 ngày 1/5, chuyến bay VN08 đưa 276 người Việt từ Canada về nước đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn. Tất cả hành khách đều được kiểm tra y tế và thực hiện cách ly theo quy định.
+ Các nhà lập pháp ở Đức, Thụy Điển, Úc đều đã lên tiếng kêu gọi điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2, loại virus đến nay lây nhiễm cho hơn 3,2 triệu người trên thế giới và khiến hơn 230.000 người tử vong.
Trả lời trên CNBC, Ursula von der Leyen, người đứng đầu cơ quan thi hành các quyết định, duy trì các hiệp ước Liên minh châu Âu (EU), nói rằng bà muốn Trung Quốc cùng châu Âu và các nước khác điều tra tận gốc, giải thích nguyên nhân dịch bệnh bùng phát ra sao.
+ Theo CNN, tại thành phố Vũ Hán – nơi từng là vùng tâm dịch của Trung Quốc, việc dỡ bỏ phong tỏa mới chỉ là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng.
Vũ Hán đã dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa vào ngày 8/4, chấm dứt 76 ngày nội bất xuất, ngoại bất nhập. Người dân có thể đi lại tự do, các cửa hàng mở cửa trở lại. Dù vậy, người dân Vũ Hán được yêu cầu vẫn phải đeo khẩu trang, có biện pháp tự bảo vệ bản thân và tránh tiếp xúc với người khác.
Tuy nhiên, người dân Vũ Hán vẫn hạn chế ra đường, các cửa hàng, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng cửa, tất cả đều lo ngại là nguy cơ dịch bệnh quay trở lại lần thứ hai, khiến thành phố lại rơi vào tình trạng phong tỏa. Vậy nên tâm lý chung của người Vũ Hán hiện tại vẫn còn rất dè dặt và thận trọng
Có lẽ vẫn phải cần đến một khoảng thời gian dài để Vũ Hán và phần còn lại của thế giới có thể khôi phục cuộc sống như bình thường, theo CNN.
+ Báo cáo nghiên cứu đến từ Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (CIDRAP), thuộc Đại học Minnesota (Mỹ), cho rằng, dịch Covid-19 có thể kéo dài từ 18 – 24 tháng nữa, cho tới khi khả năng miễn dịch cộng đồng dần xuất hiện trên thế giới.
Do khả năng lây lan từ những người không hoặc ít biểu hiện triệu chứng, Covid-19 có thể khó kiểm soát hơn cúm -nguyên nhân của hầu hết các đại dịch gần đây trong lịch sử, theo CIDRAP. Người nhiễm virus có thể truyền bệnh cho người khác nhiều nhất trước khi các triệu chứng xuất hiện, theo báo cáo.
+ Cuộc họp giữa các CLB Ngoại hạng Anh trong ngày 1/5 đã kết thúc sau gần 4 tiếng thảo luận. 20 đội bóng tại Premier League đã đi tới thống nhất sẽ trở lại thi đấu trong đầu tháng 6, quá trình tập luyện chuẩn bị sẽ vào giữa tháng này, và sẽ có sự thay đổi trong sắp xếp sân đấu. Các CLB dự tính sẽ thi đấu trên sân trung lập, 3 SVĐ được chọn là Etihad của Manchester City, sân Emirates của Arsenal và sân London của West Ham.
Các trận đấu tiếp theo của Premier League sẽ diễn ra từ ngày 8/6 và các hoạt động tập luyện sẽ được diễn ra từ ngày 18/5. Các đội bóng đã cam kết sẽ không hủy mùa giải và cũng sẽ không dừng giải tại đây để tính điểm, 38 vòng đấu sẽ được đá đầy đủ để chọn ra các đội đoạt vé dự cúp châu Âu, đội xuống hạng và đội vô địch.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
|