CEO Asanzo: 18 năm bỏ học để dựng cơ nghiệp nghìn tỷ

Dưới sự dẫn dắt của doanh nhân 8X, chỉ sau 4 năm thành lập, Asanzo đã trở thành cái tên quen thuộc với người tiêu dùng Việt.

Năm 2017, hãng bán ra 710.000 chiếc TV, gấp 1,5 lần so với 2016 (500.000 chiếc), đạt doanh thu 4.629 tỷ đồng. Tại nông thôn, độ phủ của thương hiệu lên đến 70%. Những con số ấn tượng này đã đưa Asanzo vào top 4 thương hiệu TV chiếm thị phần cao nhất Việt Nam.

Sự phát triển thần tốc của Asanzo đến từ những tư duy khác biệt của người lãnh đạo: Phạm Văn Tam.

Muốn hiểu người phải lăn vào đời

18 năm “lăn lộn” qua nhiều nghề, ông chủ hãng điện tử Việt tin rằng không có thành công nào là tự nhiên nếu không đi cùng sự bền bỉ, lăn lộn và thấu hiểu mọi ngóc ngách thương trường. Thành công của Asanzo đến từ 4 chữ “hiểu”: hiểu thị trường, hiểu sản phẩm, hiểu đối thủ và hiểu khách hàng.

Anh Phạm Văn Tam - Tổng giám đốc Asanzo.

Nói về am hiểu thị trường, ông chủ Asazo xác định đi vào thị trường ngách nhỏ, tạo ra sản phẩm chuyên biệt cho mỗi vùng miền. Đơn cử như dòng TV chạy bình ắc quy với màu chủ đạo đỏ và vàng được thiết kế riêng cho người dân miền Tây. Còn tại miền Trung, anh giới thiệu hay dòng TV có đặc tính chống oxy hóa.

“Asanzo hiểu người dân Việt Nam cũng như tôi đã trải qua nhiều địa phương để thị sát. Từ đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, tôi đều hiểu hết khách hàng”, doanh nhân 8x chia sẻ.

Bằng việc “nằm vùng”, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thấu hiểu sản phẩm, từ đó nhận ra sản phẩm của mình cần giữ và loại bớt tính năng gì. Ví dụ, khi ra mắt bộ đôi điện thoại Z5 và S5 tháng 8/2017, Asanzo đã mạnh dạn bỏ đi cổng tai nghe 3,5 mm truyền thống và thay thế bằng tai nghe không dây. Điều này giúp Asanzo giảm chi phí và giá thành mà vẫn đảm bảo giá trị thực của sản phẩm.

Am hiểu khách hàng là chìa khóa để doanh nghiệp mang đến sản phẩm phù hợp thị hiếu.

Không chỉ tiết giảm, ông chủ thương hiệu TV Việt cũng khá linh hoạt khi mở rộng danh mục để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Hiện Asanzo có hơn 70 dòng sản phẩm phục vụ cho tất cả nhu cầu về điện tử, điện lạnh và điện thoại. Chiến lược này không hướng vào việc đa dạng hóa sản phẩm mà đến từ nhu cầu thực tế của khách hàng.

Người Việt hiểu người Việt

Thoạt nhìn có vẻ Asanzo đang liều lĩnh chọn một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Song ông chủ hãng cho biết anh tự tin đương đầu trên mặt trận này nhờ am hiểu đối thủ. Theo anh Tam, lợi thế cạnh tranh độc quyền của doanh nghiệp Việt chính là sự thấu hiểu người Việt và khách hàng.

Nhiều năm đi khảo sát thị trường tại các vùng miền, ông chủ Asanzo nhận ra người Việt rất thích hát karaoke dù là trong phòng hay tại gia. Vì vậy, sản phẩm TV của hãng luôn tích hợp phần mềm Karaoke Offline với 12.000 bài hát, giúp người dùng thoả mãn đam mê ca hát mọi lúc mọi nơi.

Asanzo thực hiện chiến lược “địa phương hóa” sản phẩm.

Tương tự vậy, trong lần ra mắt mẫu TV OLED đầu tiên, hãng đã giới thiệu FPT Play, ứng dụng tích hợp cho phép người xem truy cập hơn 150 kênh truyền hình trong nước và quốc tế để theo dõi Ngoại hạng Anh mùa giải 2017-2018.

Bên cạnh đó, anh Tam chủ trương phát triển hệ thống đại lý và bảo hành để giảm chi phí đi lại của người nông dân, giúp họ dễ tiếp cận với sản phẩm. Ông chủ hãng di động Việt tin rằng một chế độ bảo hành tận tình là điều quan trọng để có được sự tin tưởng của đại lý.

Nhà phân phối chỉ cần bán hàng, còn việc hỗ trợ người tiêu dùng Asanzo đều chủ động giải quyết. Đây là một trong những bí quyết để doanh nhân này “giữ chân” các nhà phân phối và đại lý từ những ngày đầu thành lập công ty đến nay. 

Suốt 18 năm, với khao khát tìm “giá trị thực” cho từng sản phẩm, Phạm Văn Tam đã từng bước đưa Asanzo - thương hiệu Việt sánh ngang với các thương hiệu điện tử quốc tế khác.

“Doanh nghiệp Việt muốn trỗi dậy thì đừng theo cái bóng của các ông lớn mà cần tập trung vào thế mạnh cốt lõi, thấu hiểu thị trường, sản phẩm, đối thủ, khách hàng và kiên định với hành trình khởi nghiệp. Đó là chìa khóa để Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia khởi nghiệp xứng tầm, một “Israel châu Á” trong tương lai”, anh Tam nhấn mạnh.

Theo Zing
Nhận xét đã bị vô hiệu hóa.

Tin liên quan