6 điều nên ‘tự vấn’ trước khi trở thành freelancer
Theo chia sẻ từ Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink.vn - một trong những trang web hàng đầu Việt Nam về hỗ trợ nhân sự và tìm kiếm việc làm, thì có rất nhiều công ty thích thuê freelancer để thực hiện một số công việc của mình nhưng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội, thậm chí thất nghiệp dài hạn.
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 6 câu hỏi “tự vấn” quan trọng giúp bạn xác định rõ hơn về cách đi nếu muốn bước vào con đường trở thành freelancer chuyên nghiệp.
Tham khảo các việc làm hấp dẫn tại careerlink.vn
1. Tôi sẵn sàng rời khỏi vùng thoải mái của mình?
Trở thành một người làm việc tự do cũng giống như điều hành công việc kinh doanh của riêng bạn. Bạn sẽ tự mình tìm kiếm công việc, quản lý dự án, đàm phán và thỏa thuận với khách hàng.
Bạn cũng sẽ phải làm việc bất chấp thời gian nhằm giao sản phẩm đúng hạn để nhận được thù lao hoặc có thể khách hàng của bạn ở nơi có múi giờ khác biệt. Bạn đã sẵn sàng đảm nhận tất cả các thách thức đó và thúc đẩy bản thân vượt qua các giới hạn để trở thành một freelancer thành công?
2. Có an toàn không khi tôi nghỉ việc công ty?
Freelancer không có thu nhập ổn định, bạn có thể nhận đơn đặt hàng liên tục trong một tháng, nhưng cũng có khi hơn hai tháng “đói khách” hoặc khách hàng bỗng chốc “bốc hơi” sau khi đã nhận thành phẩm... Hãy suy nghĩ về các rủi ro mà bạn có thể gặp phải khi từ bỏ công việc hàng ngày và những người sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của bạn.
Chẳng hạn, nếu là người đàn ông của gia đình, hãy nghĩ xem bạn có thể đảm bảo cuộc sống cho các thành viên khi trở thành một freelancer? Điều này không có nghĩa rằng bạn nên bỏ dở ước mong được làm việc yêu thích mà bạn cần có một kế hoạch tốt hơn, cố gắng tiết kiệm và đảm bảo bạn có một vài khách hàng trước khi xin thôi việc.
6 điều nên “tự vấn” trước khi trở thành freelancer |
3.Tôi có đủ kinh nghiệm?
Nếu đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn thì bạn sẽ có nhiều lợi thế để cạnh tranh cùng các freelancer khác, ngược lại bạn sẽ rất khó khăn để tìm kiếm khách hàng. Sẽ không có khoảng thời gian “thực tập” nào cho hình thức làm việc freelance này cả.
Vì vậy, nếu kinh nghiệm còn non kém hay chưa tự tin vào khả năng của mình, bạn nên dành thời gian để tích lũy và nâng cao kỹ năng đang có trước khi bước chân vào con đường trải đầy hoa hồng nhưng cũng lắm chông gai: freelance.
4.Tôi đã biết cách ứng xử với khách hàng?
Giao tiếp là chìa khóa để hiểu nhu cầu của khách hàng, thỏa mãn chất lượng công việc và thiết lập mối quan hệ lâu dài với họ. Nếu thiếu kỹ năng này, bạn sẽ không thể nắm bắt hết các thông tin quan trọng, từ đó dẫn đến giảm hiệu suất công việc, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu cá nhân.
Đó cũng sẽ là rào cản ngăn cản việc bạn được giới thiệu với những khách hàng tiềm năng khác. Thế nên, hãy chắc rằng bạn biết cách giao tiếp hiệu quả, viết email rõ ràng và dễ hiểu, quan trọng hơn là quản lý tốt cảm xúc để giữ được sự bình tĩnh khi đối mặt với những lời chỉ trích từ khách hàng hay khi công việc phát sinh nhiều vấn đề “đột xuất” không có trong hợp đồng.
5.Tôi có khả năng làm việc đa nhiệm?
Đa nhiệm là điều mà hầu hết mọi người khuyên bạn nên tránh nếu muốn thành công nhưng là ngoại lệ đối với các freelancer. Là một freelancer, bạn sẽ làm việc với nhiều khách hàng và nhiều dự án cùng lúc, bạn sẽ tự quản lý tài chính, viết hóa đơn và tìm thêm các công việc khác... Không cần phải nói, một freelancer có khả năng làm việc đa nhiệm sẽ quản lý công việc tốt hơn và có cơ hội kiếm tiền nhiều hơn.
6.Tôi có một kế hoạch dự phòng?
Nếu bạn đã chuẩn bị một chiến lược rút lui cho mình thì tốt nhất bạn đừng nghĩ đến việc trở thành một freelancer nữa. Bởi bạn chỉ trở thành một freelancer thành công khi đó là lựa chọn duy nhất và điều này sẽ giúp bạn làm việc chăm chỉ hơn, tập trung hơn để đạt được mục tiêu của mình.