Dùng phần mềm công nghệ để xuống giống và thu hoạch rau
Hệ thống được xây dựng từ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc khu Nông nghiệp công nghệ cao (AHTP), phát triển bởi Công ty GCS trên nền tảng các công nghệ mới bao gồm: Vạn vật Internet (IoT), Phân tích dữ liệu lớn (Big data Analytics) và triển khai trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing) của QTSC.
Không chỉ có giải pháp SmartAgri của GCS mà sẽ có thêm sự tham gia của một số đơn vị khác như Công ty phần mềm TMA Solutions, Công ty cổ phần giải pháp nông nghiệp 5D (Agri Solutions 5D)… Các đơn vị này sẽ ứng dụng công nghệ mới, tận dụng nền tảng dịch vụ internet và điện toán đám mây trong hoạt động canh tác nông nghiệp theo mô hình mới, tăng năng suất cây trồng…
Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần giải pháp nông nghiệp 5D (Agri Solutions 5D) cho biết: “Hiện tại khu nhà màng rộng hơn 1.000 m2 tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đang trồng dưa lưới, dưa Hoàng Kim theo ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với trồng trên giá thể, hệ thống thủy canh trồng rau ăn lá như: xà lách, cải ngọt, rau rền và rau ăn quả… Dự kiến sẽ làm khu nghiên cứu thủy hải sản tại QTSC ứng dụng các phần mềm phát triển lên làm Aquaponics là trồng rau nuôi cá”.
Trước đây, việc xem xét nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng hoàn toàn được thực hiện bằng con người và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thì với phần mềm SmartAgri, tất cả sẽ được thực hiện một cách tự động thông qua các hệ thống chip cảm biến sensor được gắn ở một số vị trí trong nhà màng.
Thông qua hoạt động ghi nhận, phân tích dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây, người làm nông còn có thể quản lý, truy xuất thông tin, theo dõi mùa vụ… ở bất cứ nơi đâu nhờ ứng dụng thông qua di động.
Theo bà Tiên, được ứng dụng CNTT nên hầu như các quy trình hoạt động của hệ thống đều được tiến hành một cách tự động. Ứng dụng SmartAgri giúp cung cấp các sản phẩm đầu ra chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và giúp cho nông dân giảm thiểu được chi phí đầu tư ban đầu so với các hệ thống của các nước đối tác nước ngoài.
Các loại dưa lưới cũng như rau quả trồng ở khu vực này sau khi thu hoạch sẽ được phân phối cho các nhân viên, cán bộ... đang làm việc ở Công viên phần mềm Quang Trung, các doanh nghiệp gia công CNTT. Như vậy, cho dù đây là khu thực nghiệm nhưng sản phẩm làm ra cũng được bán tới tay người tiêu dùng.
Đây là bước đột phá của AHTP, QTSC và GCS trong việc phát triển các ứng dụng IoT phục vụ đời sống, làm chủ nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong nước và quốc tế.
QTSC cũng phối hợp với Ban quản lý dự án trồng nông sản công nghệ cao ở Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM và các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ giúp cho các nông trại, hộ nông dân... có đủ điều kiện đăng ký tham gia sử dụng thử nghiệm.