Lừa đảo qua điện thoại: Phương thức cũ, nạn nhân mới

Dọa nạt qua điện thoại, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân nhẹ dạ là thủ đoạn lừa đảo không mới và đã được cảnh báo nhiều lần. Nhưng gần đây, hàng chục vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ với thủ đoạn tương tự liên tục xảy ra.

Nhiều tin nhắn rác trúng thưởng được gửi cho thuê bao di động. Ảnh: Hải Linh

Nạn nhân là người cao tuổi

Thủ đoạn lừa đảo đã được cơ quan công an đúc kết thành một phương thức chung. Đó là vào khung giờ hành chính, đối tượng lừa đảo gọi vào số máy cố định, mạo danh cán bộ trong ngành công an, thông báo cho nạn nhân đang có những thông tin cá nhân liên quan đến tội phạm ma túy, rửa tiền… Vì vậy, yêu cầu nạn nhân khai báo tài sản (tiền, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng, thông tin về người thân trong nhà…) để phục vụ điều tra.

Trong quá trình lừa đảo, đối tượng tội phạm luôn dùng những lời đe dọa về hậu quả cho nạn nhân và người thân nếu không “hợp tác” theo đúng yêu cầu khiến họ hoảng loạn, không có thời gian suy nghĩ thấu đáo. Sau khi dồn dập tra hỏi, đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển toàn bộ tiền đang có vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt với lời lừa phỉnh để cơ quan chức năng xác minh, điều tra.

Chỉ tính 2 tháng gần đây, cơ quan công an ghi nhận không dưới 7 vụ chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn này. Riêng tại Hà Nội có 3 nạn nhân bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Nghiêm trọng nhất là một trường hợp người dân sống tại quận Tây Hồ, trong 3 ngày từ 16 - 19/3, giấu người thân, chuyển tiền bằng hình thức chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo 6,1 tỷ đồng. Theo cơ quan công an, các nạn nhân bị lừa đảo đều là người cao tuổi (đa số họ đều là phụ nữ, trên 70 tuổi) và phạm vi hoạt động của loại hình tội phạm này rộng khắp trên các tỉnh, thành trong cả nước.

Trung úy Nguyễn Xuân Cương - cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC 50 - Công an TP Hà Nội) cho biết, hình thức lừa đảo này không mới, nhưng gần đây các đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động, tập trung chủ yếu vào người cao tuổi. Bởi lẽ người cao tuổi ít quan tâm đến cảnh báo của cơ quan chức năng, nên dù phương thức cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới.

Tuyên truyền người thân

Theo quy định của pháp luật, việc mời, triệu tập người dân để phục vụ công tác điều tra, xác minh một vụ việc đều phải bằng văn bản (giấy mời, giấy triệu tập, có xác nhận của cấp có thẩm quyền) và làm việc tại trụ sở cơ quan công an, không điều tra, lấy lời khai bằng hình thức dùng điện thoại. Đặc biệt, việc thu giữ vật chứng của vụ án, thu tiền hay hiện vật khác đều phải có văn bản, quyết định của cơ quan chức năng theo quy định và thu trực tiếp, không thể có trường hợp yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản.

Về vấn đề này, cơ quan công an chia sẻ, thủ đoạn tuy không mới, nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại thì phương thức hoạt động của loại tội phạm này không ngừng biến đổi, ngày một tinh vi. Đơn cử, đối tượng phạm tội dùng công nghệ gọi điện thoại qua internet, có thể hiển thị giả mạo các đầu số giống danh bạ cơ quan công an hay bất cứ đầu số nào khác. Một số nạn nhân đã lập tức tin tưởng là đang làm việc với cán bộ công an khi nhận được hiển thị dãy số “ảo” này trên điện thoại. Ngoài ra, tội phạm mang tính chuyên nghiệp đều có những thủ đoạn, chu kỳ dẫn dắt, uy hiếp “con mồi” rất xảo quyệt khi giao tiếp.

Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó Trưởng phòng PC 50 khuyến cáo, khi có cuộc gọi điện thoại của người lạ thì người dân cần cảnh giác, không làm theo yêu cầu của đối tượng, đồng thời không cung cấp các thông tin cá nhân khi chưa biết rõ mục đích. Khi nhận được cuộc gọi điện thoại có biểu hiện nghi vấn, người dân cần trình báo đến công an sở tại để xác minh, làm rõ. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì người thân trong gia đình cũng cần phổ biến thông tin, hình thức lừa đảo này cho những người cao tuổi nhận biết để đề cao cảnh giác.

Theo Kinh Tế Đô Thị
Nhận xét đã bị vô hiệu hóa.

Tin liên quan