Bún riêu 30 năm bán giờ 'hoàng đạo', người Sài Gòn chen cứng xì xụp

Riêu cua 'khủng', giò heo 'khủng', chả quế thơm ngon, huyết dai giòn,… cộng thêm vài câu đùa của bà chủ vui tính là lí do 'mê hoặc'thực khách, kể cả giới nghệ sĩ, ghé lại quán bún riêu 30 năm tuổi nức tiếng Q.4.

Thương hiệu bún riêu Thu Nga còn thu hút cả thực khách là nghệ sĩ

Nguyên liệu nào cũng 'khủng'

Bà Nguyễn Thu Nga (52 tuổi) là chủ quán bún riêu ở địa chỉ 64 Nguyễn Hữu Hào, Q.4 (TP.HCM). Hơn 30 năm qua, hương vị tô bún riêu nơi đây đã níu chân không biết bao nhiêu thế hệ thực khách.


Video Quán bún riêu 30 năm tuổi của bà chủ siêu vui tính. Nguồn: Báo Thanh Niên

Bà Nga cho biết, phải trải qua nhiều giai đoạn “cải tiến”, tô bún riêu mới đa dạng thành phần như bây giờ. “Lúc mới mở quán, tôi chỉ nấu theo kiểu dân dã miền quê, gồm cà chua, đậu hủ và riêu cua. Khoảng đâu năm 2000, theo thị hiếu người ăn nên tôi bắt đầu cho huyết, giò heo, chả quế vào để kịp xu hướng”, bà kể.

Tất cả các nguyên liệu có trong tô bún đều mang kích cỡ “khủng”. Chỉ với huyết, đậu hủ, miếng giò heo và riêu cua bự chảng đã chiếm gần hết “mặt tiền” tô. Thêm nữa, cà chua được bà Nga để nguyên quả, chỉ cắt 1 đường để thấm gia vị. “Nếu xắt nhỏ, khi hầm lâu cà chua sẽ nát nhừ. Để nguyên cho tự khách dầm ra sẽ cảm nhận được vị chua đặc trưng hơn”, bà Nga tiết lộ về bí quyết ẩm thực của mình.

Điểm đặc biệt của món bún riêu ở đây, ngoài nguyên liệu “khủng”, không thể không kể đến nước lèo. Theo bà Nga, nước lèo có sự hòa trộn của nước tôm luộc nên rất đậm đà, ngọt thanh, gây “thương nhớ” cho cả những thực khách chỉ ăn 1 lần.

Các nguyên liệu trong tô bún riêu đều mang kích cỡ “khủng”

Nồi nước lèo cứ sôi sùng sục, mấy trái cà chua cùng riêu cua trôi đi vòng vòng “khiêu khích” thực khách ghé vào. Nồi nước chỉ cần vơi đi một chút là ngay lập tức lại được châm vào đầy ắp. Bà cho biết làm vậy không chỉ để bắt mắt, mà quan trọng là để nước lèo luôn giữ vừa đúng vị. Vì nếu bớt lửa nước sẽ không nóng cho người ăn, còn giữ lửa mà nước cạn đi vị sẽ khác đi ngay.

Vậy là chỉ cần thêm chút mắm ruốc nồng nồng, nặn miếng chanh chua, bỏ miếng ớt cay cay nữa thì đố ai cưỡng lại tô bún riêu này! Giá mỗi tô dao động từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng tùy theo yêu cầu nên cũng phù hợp với thực khách ở mọi tầng lớp.

Bà Nguyễn Thị Kim Nga (52 tuổi, ngụ Nhà Bè), một trong những thực khách quen thuộc của quán, cho biết: “Tôi ăn bún riêu ở đây từ rất lâu rồi. Lúc trước nhà tôi ở Q.4, sau chuyển về Nhà Bè. Do “ghiền” vị bún riêu ở đây, nên dù ở xa nhưng hễ có đi đâu gần quán là vẫn chạy sang ăn”.

Cô chủ hài hước, mở cửa theo giờ “hoàng đạo”

Từ khi chồng mất, bà Nga một mình nuôi 3 đứa con đang còn tuổi ăn tuổi học. Hỏi về lí do vì sao bà đã lớn tuổi mà con cái vẫn còn nhỏ thế, bà đùa: “Tôi bán bún riêu đắt quá, toàn lo bán nên không có ai chịu cưới. Tới năm 37 tuổi mới có người rước. Rước là mừng lắm rồi đó”. Dứt lời, bà Nga cười khà khà.

Mạnh ai nấy… xì xụp

Nói đoạn, khách vào một lượt 4, 5 người. Không giống như “bún chửi” hay “cháo chửi” ở Hà Nội, chủ quán ở đây luôn nở nụ cười với khách, lắng nghe từng người gọi bún theo khẩu vị, người thì không giò, người lại thêm chả, cua,… để làm vừa lòng thực khách.

Khi có khách quen hỏi vui: “Nga bán bún ngán chưa Nga, chứ tui là tui ngán bún riêu rồi đó”, bà Nga phất tay, cười lớn: “Trời ơi cha ơi, tui bán từ hồi 23 tuổi tới giờ, hổng ngán sao được. Nhưng mà bà có ngán thì cũng ráng ăn thêm vài năm nữa nghen, đặng tui còn nuôi sắp nhỏ”.

Là người gốc Hoa nên bà Nga mở cửa hàng luôn đúng giờ “hoàng đạo”. Cứ 11 giờ 15 phút là quán bắt đầu mở bán. Bà giải thích: “Tôi là người Hoa nên làm gì cũng phải có con số 15 trong đó: 7 giờ 15 phút, 10 giờ 15 phút,… Khi nào “dính” số 15 thì mọi chuyện mới trơn tru được”.

Miếng riêu cua to đùng

Không biết có phải nhờ thế hay không mà quán dù không quy mô nhưng số lượng người ăn rất đông, lúc nào cũng chật kín chỗ ngồi. Bà Nga còn khoe nhiều nghệ sĩ từng ghé đây ăn bún riêu.

“Lâu lâu có cả diễn viên, ca sĩ đến ăn hoặc mua về, như Trường Giang, Thanh Thúy,… nè! Đâu có dễ mà họ tới đâu, bún riêu phải ngon dữ thần mới được đó”, bà Nga vừa nói vừa đùa, ra vẻ nghiêm trọng.

Bún riêu bà Nga mở cửa từ trưa đến khoảng 5 - 6 chiều giờ là đã bán sạch trơn. Mỗi ngày, trung bình bà Nga bán khoảng 500 tô, tương đương với 70 kg bún. Bà cười bảo “bán nhiêu đó đủ xài rồi, bán nhiều mệt lắm, mau già lắm”.

Bún riêu nơi đây ăn vào có vị ngọt nhẹ, thanh mát, riêu cua không tanh mà còn có vị béo béo. Tô bún “thương hiệu” Thu Nga rất to. Nên nếu thực sự đói bụng, bạn hãy gọi một tô bún riêu với đầy đủ các thứ đi kèm. Còn không, bạn chỉ nên gọi tô nhỏ và lựa chọn những gì mình thích ăn nhất, nếu không muốn đi không nổi vì no nhé!

Tô bún riêu nức tiếng Q.4 “mê hoặc” thực khách suốt 30 năm qua

Mở cửa từ 11g15 đến xế chiều, hàng bún riêu bà Nga luôn thu hút rất nhiều thực khách

Nồi nước lèo bốc khói nghi ngút

Nụ cười tươi rói thường trực trên môi bà chủ vui tính

Giá mỗi tô bún riêu dao động từ 15 – 40 nghìn đồng tùy ý thích người ăn, phù hợp với cả những người dân lao động

Nhiều thực khách đã gắn bó với hàng bún riêu bà Nga hàng chục năm

Góc quán nào cũng chật kín chỗ ngồi

Nhiều bạn trẻ cũng mê vị bún riêu thơm ngon khó cưỡng

Mở cửa chỉ trong khoảng 6 tiếng, bà Nga bán ra đến 500 tô bún mỗi ngày

Theo Thanh Niên
Nhận xét đã bị vô hiệu hóa.

Tin liên quan